Theo quy định tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần”.
Như vậy việc góp vốn để thành lập công ty là hoạt động tạo nguồn tài chính nhằm đảm bảo các điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, có ý nghĩa là hoạt động đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu của công ty, xác lập tư cách thành viên/cổ đông, quyền và trách nhiệm của họ đối với công ty sau khi được thành lập. Gắn liền với quyền lợi là nghĩa vụ, trước tiên, đó là nghĩa vụ góp đủ vốn và đúng thời hạn như đã cam kết. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và đúng thời hạn, cổ đông/thành viên sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
- Hậu quả pháp lý của việc không góp vốn hoặc góp vốn không đủ
Luật doanh nghiệp 2020 quy định trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chủ sở hữu, các thành viên, cổ đông phải thanh toán phần vốn góp, số cổ phần đã đăng ký mua trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trong thời hạn này, thành viên/cổ đông có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.
- Hậu quả đối với thành viên công ty
- Thành viên chưa góp vốn đã đăng ký thì không còn là thành viên công ty, không được chuyển nhượng phần vốn góp đó cho người khác
- Thành viên chưa góp vốn đủ như đã cam kết sẽ chỉ có quyền tương ứng với phần vốn đã góp, chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác đối với phần vốn đã góp
- Như vậy, thành viên chưa góp vốn sẽ đương nhiên không còn là thành viên công ty điều đó đồng nghĩa với việc thành viên đó mất toàn bộ quyền của thành viên công ty nhưng không đồng nghĩa với việc họ cũng không còn nghĩa vụ gì đối với công ty.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán phần vốn góp đã đăng ký mua, nếu thành viên chưa góp vốn thì doanh nghiệp phải giảm vốn hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với quy định pháp luật.
- Hậu quả đối với cổ đông sáng lập
- Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
- Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
- Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
- Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
- Hậu quả đối với công ty cổ phần
- Hội đồng quản trị được quyền chào bán số cổ phần chưa thanh toán
- Thành viên HĐQT và người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 điều 113 Luật doanh nghiệp 2020
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua, nếu số cổ phần đã bán chưa được thanh toán hoặc chưa được thanh toán hết thì Công ty phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ hoặc thay đổi thông tin cổ đông sáng lập
- Mức xử lý vi phạm hành chính nếu vi phạm như sau:
- Đối với trường hợp kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
- Đối với trường hợp công ty không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký và buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ cổ phần của cổ đông bằng số vốn đã góp (Nghị định 122/2021/NĐ-CP)
- Trường hợp không thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh về việc thay đổi thông tin cổ đông sáng lập thì bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 11 ngày đến 30 ngày.
- Trường hợp vi phạm về thời hạn thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh thì xử phạt như sau:
– Quá hạn 31 đến 90 ngày: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
– Quá hạn từ 91 ngày trở lên: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
- Rủi ro khi doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ
Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư), số tiền phạt có thể lên tới 100.000.000 đồng.
Thứ hai, trong trường hợp sảy ra tranh chấp, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm pháp lý cao hơn so với thực tế. Theo quy định với các loại hình doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ (công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh), doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ đã đăng ký. Ví dụ, doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 10 tỷ, chỉ thực hiện góp vốn 1 tỷ nhưng không đăng ký giảm vốn điều lệ bằng số vốn thực góp; trong trường hợp tranh chấp hợp đồng kinh tế, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý là 10 tỷ thay vì 1 tỷ như số vốn thực góp.
Thứ ba, trong trường hợp kinh doanh có lợi nhuận, hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác doanh nghiệp phải đóng góp ở mức cao hơn so với thực tế. Bên cạnh đó rất dễ sảy ra tranh chấp khi phân chia lợi nhuận giữa các thành viên góp vốn hoặc các cổ đông sáng lập, lý do là việc phân chia lợi nhuận dựa trên tỷ lệ vốn góp đăng ký nhưng lại khác so với vốn góp thực tế.
Thứ tư, rủi ro về mặt pháp lý giữa các thành viên góp vốn hoặc các cổ đông sáng lập. Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các thành viên góp vốn dựa trên số vốn thực góp có ý nghĩa rất quan trọng. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thành viên hoặc cổ đông không góp vốn khi đến hạn sẽ không còn là thành viên hoặc cổ đông của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó doanh nghiệp vẫn công nhận là thành viên hoặc cổ đông hoặc trong một trường hợp khác, nếu một trong số các thành viên hoặc cổ đông phát sinh quan hệ pháp lý với bên thứ ba như cho, tặng, thừa kế, hoặc chuyển nhượng phần vốn góp … các trường hợp này sẽ dẫn tới các quan hệ pháp lý rất phức tạp khi tỷ lệ phiếu biểu quyết của các thành viên không rõ ràng.
Thứ năm, làm cho môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, khi không góp đủ vốn như đã đăng ký, các doanh nghiệp khi tiến hành ký kết hợp đồng với nhau sẽ không tin tưởng vào mức vốn điều lệ doanh nghiệp đã đăng ký, thay vào đó họ sẽ tìm hiểu từ các nguồn thông tin tài chính tin cậy hơn như báo cáo tài chính, hồ sơ năng lực …Đối với cơ quan quản lý nhà nước nếu chỉ nhìn vào số vốn đăng ký sẽ không thấy được quy mô và năng lực thực tế của doanh nghiệp để đưa ra những chính sách hợp lý.
Thứ sáu, làm phát sinh các tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp như tranh chấp về tư cách
thành viên/cổ đông, tranh chấp về định giá tài sản, tranh chấp về chuyển quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về quyền quản lý điều hành doanh nghiệp…..
Trên đây là những thông tin về hậu quả pháp lý của việc không góp đủ vốn điều lệ và phương án giải quyết. Nếu Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc cần giải đáp nào, vui lòng liên hệ trực tiếp đến Hotline 0979.979.698 hoặc email mdlaw.vn@gmail.com để được tư vấn rõ hơn.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý khách hàng./.
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
VĂN PHÒNG CÔNG TY