CÔNG TY CỔ PHẦN CÓ NHẤT THIẾT PHẢI CÓ BAN KIỂM SOÁT KHÔNG?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có thể được tổ chức dưới 02 mô hình sau: 

Mô hình thứ nhất: Có Ban kiểm soát, bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát (BKS) và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát; 

Mô hình thứ hai: Không có ban kiểm soát mà thay vào đó là Uỷ ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị, bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.

Đối với mô hình 1, BKS không bắt buộc trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 137 LDN 2020, cụ thể là Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát. 

Đối với mô hình 1, cá nhân tác giả có một số kiến nghị đó là: 

Một là, về cơ chế tạo lập BKS, để BKS hoạt động hiệu quả cần bảo đảm vị trí độc lập của BKS. Theo đó, quy định về tạo lập BKS cần đặt ra tiêu chuẩn cụ thể và giám sát chặt chẽ việc áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên BKS từ khi ứng cử đến hết nhiệm kỳ nhằm đảm bảo vị trí độc lập của thành viên BKS trong thực hiện thẩm quyền và nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần quy định bắt buộc thành viên BKS phải là người ngoài công ty, không là người lao động của công ty. Khi đó, sẽ loại bỏ được cơ chế kiêm nhiệm trong công ty, đồng thời hoạt động của BKS sẽ có tính khách quan hơn.

Hai là, đảm bảo BKS thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Thực tiễn hoạt động của BKS cho thấy, báo cáo giám sát do đại diện BKS thuyết trình tại ĐHĐCĐ được đánh giá thường giống với báo cáo của HĐQT và BGĐ. Nội dung chủ yếu là khen HĐQT và BĐH và rất ít thông tin có ích cho cổ đông. Trong một số trường hợp, các vấn đề đưa vào báo cáo của BKS đã được thống nhất trước với HĐQT trong phiên họp trù bị trước đó. Do đó, vai trò của BKS chỉ là hình thức. Báo cáo của BKS trình ĐHĐCĐ tại mỗi kỳ họp nhưng kỳ họp quá xa, thiếu tính thời sự. Vì vậy, cần cụ thể hóa yêu cầu đối với nội dung của bán cáo. Báo cáo của BKS phải có sự đánh giá khách quan về định hướng, ưu điểm và rủi ro của sự việc, có như vậy, báo cáo thẩm định của BKS mới có ý nghĩa trong việc chấn chỉnh hoạt động của các thành viên HĐQT và BGĐ.

Ba là, xây dựng cơ chế buộc thực thi các kiến nghị hợp lý của BKS, đồng thời bổ sung quyền của BKS nhân danh công ty kiện HĐQT, người quản lý hoặc các cổ đông khác nếu thấy cần thiết để bảo vệ quyền với lợi ích hợp pháp của cổ đông và công ty.

Bốn là, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của BKS. Để có thể thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, một trong những công cụ mà BKS được pháp luật trang bị cho đó là hoạt động tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền này dễ dàng bị vô hiệu hóa hoặc bị cản trở bởi những chủ thể cung cấp thông tin mà không phát sinh bất cứ hậu quả pháp lý nào. Vì vậy, trong văn bản hướng dẫn thi hành luật, cần bổ sung hậu quả pháp lý trong trường hợp các chủ thể không cung cấp thông tin cho BKS

Trên đây là những quy định liên quan đến việc Công ty cổ phần có nhất thiết phải có ban kiểm soát hay không tại Việt Nam. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này cũng như các vấn đề liên quan khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty TNHH Tư vấn Luật MD LAW qua số điện thoại 0979 979 698 để được hỗ trợ.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

VĂN PHÒNG CÔNG TY

  • Địa chỉ: Tầng 9 Tòa 3D Center, số 3 Duy tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • Điện thoại: 0979 979 698
  • Email: mdlaw.vn@gmail.com





    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    phone zalo mail